Liệu ăn trái cây tốt cho người tiểu đường không? Một số người lo lắng bị tăng cân nên thường hạn chế ăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trái cây rất giàu các chất dinh dưỡng quan trọng, có thể mang lại lợi ích đối với sức khỏe khác với rau củ.
Rau củ và trái cây có hiệu quả trong việc ngăn ngừa suy giảm chức năng nhận thức
Ăn đủ rau củ và trái cây sẽ có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa suy giảm chức năng nhận thức. Một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard ở Hoa Kỳ cho thấy những người hấp thụ nhiều rau củ và trái cây ít bị suy giảm chức năng nhận thức hơn.
Ở nam giới ăn đủ các loại rau lá xanh, các loại rau củ màu vàng và đỏ, các loại quả mọng trong chế độ ăn hàng ngày, sự suy giảm chức năng nhận thức khi cao tuổi sẽ thấp hơn 34% so với nam giới không ăn đủ các loại thực phẩm này. Đây là kết quả trong một nghiên cứu theo dõi khoảng 20.000 nhân viên y tế trong 20 năm.
Trái cây và rau củ màu vàng xanh rất giàu vitamin A (β-carotene), vitamin C, các khoáng chất như kali và polyphenol. Các chất này có tác dụng chống oxy hóa và được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Trái cây cũng là một nguồn cung cấp chất xơ. Chất xơ không chỉ dễ tiêu hóa và hấp thụ mà nó còn giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate và ức chế sự hấp thụ lipid và cholesterol. Nếu hấp thụ một lượng lớn chất xơ, mọi người thường dễ có cảm giác no và điều này giúp ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều và tình trạng béo phì.
Ăn trái cây có tốt cho người tiểu đường hay không?
Ăn trái cây không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu JPHC thực hiện theo dõi 50.000 người Nhật Bản trong 5 năm đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều hoa quả không có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nghiên cứu này là một nghiên cứu đoàn hệ đa mục đích được thực hiện tại Nhật Bản để làm rõ mối quan hệ giữa lối sống như chế độ ăn uống và bệnh ung thư, bệnh tiểu đường tuýp 2, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Những người ăn đủ rau củ và trái cây có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Các vitamin và carotenoids chống oxy hóa có trong rau củ và trái cây được cho là có hiệu quả làm tăng độ nhạy cảm của insulin để giúp giảm mức đường huyết. Những người ăn nhiều hoa quả có nguy cơ bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim thấp hơn so với những người ăn ít.
Không nên hấp thụ quá nhiều
Bên cạnh những lợi ích mà trái cây mang lại thì trong trái cây cũng có chứa đường như glucose, fructose và sucrose. Mặc dù thành phần của đường thay đổi tùy thuộc vào loại, nhưng về nguyên tắc, 1g đường = 4 kcal năng lượng.
Dù fructose có trong trái cây không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu, nhưng fructose được chuyển đổi thành glucose nhờ gluconeogenesis có trong gan. Do đó, ăn quá nhiều hoa quả có thể dẫn đến suy giảm chuyển hóa glucose và tăng chất béo trung tính nên cần đặc biệt chú ý.
Vì các loại đường đơn có trong trái cây sẽ chuyển hóa thành năng lượng trong một thời gian ngắn, do đó nên ăn hoa quả vào bữa sáng và bữa trưa thay vì ăn vào buổi tối. Ngoài ra, vì trái cây đóng hộp, ngâm trong siro và sấy khô đặc biệt chứa nhiều đường nên cần hạn chế sử dụng những loại này càng nhiều càng tốt. Nước ép cũng được làm ngọt bằng cách thêm đường vào nên cần chú ý.
Dâu tây, kiwi, cam, đào, việt quất…là những loại có tương đối ít năng lượng và có lượng lớn chất xơ. Quýt, hồng ngâm, nho, chuối…là những loại tương đối giàu đường, vì vậy cần chú ý không ăn quá nhiều.
Trái cây giúp duy trì sức khỏe và sắc đẹp; có hiệu quả tốt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và phòng ngừa ung thư, xơ vữa động mạch. Vì vậy nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn uống với lượng phù hợp mà không quá nhiều.