Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Dinh dưỡng cho người bị tăng huyết áp cũng là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Vậy người cao huyết áp không nên ăn gì?
Không nên ăn mặn, ăn các thức ăn có chứa hàm lượng muối cao
Người bị huyết áp cao không nên ăn mặn. Theo khuyến cáo của chuyên gia, một người chỉ nên ăn ít hơn 5g muối/ ngày. Natri có trong muối ăn làm tiết ra nhiều dịch tế bào, làm tim đập nhanh và tăng huyết áp.
Ngoài ra, người bị tăng huyết áp không nên ăn các món muối chua như dưa muối, cà muối, hành muối, kim chi,… Đây cũng là các món ăn không tốt cho người cao huyết áp vì các món muối chua chứa hàm lượng natri cao.
Không nên ăn nhiều mỡ động vật
Người bị tăng huyết áp không nên ăn nhiều mỡ động vật. Tuy mỡ động vật rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, nhưng ăn quá nhiều mỡ động vật sẽ gây nên các vấn đề về sức khỏe.
Mỡ động vật và các loại thức ăn nhiều dầu mỡ khác chứa nhiều cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh tim mạch.
Không nên ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn được chế biến sẵn
Các loại thịt được chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích,… là các thực phẩm chứa rất nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, các chất bảo quản hóa học và chứa hàm lượng muối cao. Đây cũng là nhóm thực phẩm gây nên các bệnh tăng huyết áp, béo phì. Vì vậy, người bị tăng huyết áp không nên ăn những loại thực phẩm này.
Mì ăn liền
Đây là món ăn yêu thích của rất nhiều người, nhất là với những người sống độc thân. Mì ăn liền có mùi vị thơm ngon, chế biến nhanh chóng và tiện lợi. Thế nhưng, đây là một trong những thực phẩm góp phần làm tăng huyết áp vì trong mì ăn liền chứa nhiều natri. Những người bị tăng huyết áp không nên ăn nhiều mì ăn liền.
Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng
Thức ăn nhiều năng lượng là chocolate, đường glucose, đường mía, và các món ăn chứa nhiều đường khác. Những loại thực phẩm chứa nhiều đường có thể gây béo phì. Người béo phì có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn người bình thường.
Không nên ăn nội tạng động vật (thận, óc, tim, gan, lòng)
Nội tạng động vật có chứa hàm lượng chất béo bão hoà và cholesterol cao hơn nhiều so với thịt. Khi nội tạng động vật được tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, não, giun sán, viêm cơ tim, viêm phổi,…
Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê
Người bị tăng huyết áp không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Trong thuốc lá có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp. Hút một điếu thuốc lá cũng có thể làm tăng huyết áp.
Uống nhiều rượu, bia quá cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Những người thường xuyên phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp thì không nên sử dụng rượu, bia. Rượu, bia sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp, làm cho bệnh nặng hơn. Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương khác cho hệ thần kinh.
Hàng ngày, mỗi người có thể uống khoảng 30ml rượu mạnh, 50ml rượu vang hoặc 300ml bia.
Để có thể phòng chống bệnh tăng huyết áp, chúng ta nên có một lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Nên tập thể dục nhiều hơn để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể.
Tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn tuy nhiên việc sử dụng thuốc hàng ngày, có một lối sống lành mạnh, một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể hạn chế được các biến chứng của tăng huyết áp gây ra.