Phương pháp xét nghiệm nước bọt đơn giản, được phát triển bởi các nhà khoa học y sinh của Đại Học Công Nghệ Queensland, đã giúp phát hiện sớm ung thư vòm họng ở 1 người không có triệu chứng.
Virus HPV hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh ung thư vùng hầu họng, bao gồm lưỡi, amidan và cuống họng. “Một loạt các xét nghiệm nước bọt mà chúng tôi thực hiện đã đưa ra cảnh báo và giúp phát hiện ung thư, trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào” – PGS Chamindie Punyadeera, đại diện nhóm tác giả cho biết – “Điều này cho phép loại bỏ amidan chứa ung thư với kích thước 2mm của bệnh nhân, chỉ bằng phẫu thuật tại chỗ“.
Cũng theo chuyên gia này, tỉ lệ mắc ung thư vòm họng do virus HPV đang có xu hướng tăng ở các quốc gia phát triển. Điều đáng nói là bệnh nhân chỉ phát hiện ra tình trạng của mình, khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, để điều trị, bác sĩ phải sử dụng các phương pháp phức tạp và ảnh hưởng đến cơ thể nhiều hơn.
“Ở Mỹ, ung thư vòm họng do HPV đã vượt qua ung thư cổ tử cung, để trở thành loại ung thư do virus HPV phổ biến nhất. Không giống như ung thư cổ tử cung, đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một phương pháp kiểm tra sàng lọc ung thư vòm họng chính thức” – PGS Punyadeera phân tích.
Nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp xét nghiệm mới này được hoàn thiện thông qua một đề tài khoa học, với sự tham gia của 665 tình nguyện viên.
Được biết, những người tham gia sẽ được xét nghiệm sự có mặt của ADN HPV-16. Những trường hợp có hiện diện HPV-16 trong mẫu xét nghiệm sẽ tiếp tục được lặp lại việc xét nghiệm theo từng chu kì thời gian. Thông qua đó, nhóm tác giả có thể nhận diện ai là người có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng.
PGS Punyadeera cho biết: “Bệnh nhân ung thư vòm họng được chúng tôi phát hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với HPV-16 trong suốt 36 tháng. Số lượng ADN HPV-16 trong mẫu bệnh phẩm của người này cũng tăng dần trong các lần kiểm tra vào tháng thứ 6, 12 và 36“.
Kết quả kiểm tra chuyên sâu đã cho thấy, bệnh nhân này có một khối u biểu mô tế bào vảy với kích thước 2mm ở amidan trái, và đã nhanh chóng được điều trị bằng phẫu thuật cắt amidan. Điều này giúp cho bệnh nhân có cơ hội chữa khỏi cao, trong khi phương pháp điều trị lại rất đơn giản.
“Kể từ khi phẫu thuật, bệnh nhân không có dấu hiệu về sự hiện diện của ADN HPV-16 trong mẫu nước bọt” – PGS Punyadeera chia sẻ – “Hiện tượng tăng dần của lượng ADN virus HPV trong mẫu nước bọt ở bệnh nhân ung thư vòm họng, mà chúng tôi đã ghi nhận, cần được tính toán và đánh giá kỹ lưỡng, bởi nó có thể mở ra các phương pháp xét nghiệm sớm ung thư vòm họng đầy tiềm năng.
Nhóm tác giả cho biết, trong thời gian sắp tới họ sẽ thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu, để đánh giá độ tin cậy của phương pháp xét nghiệm này, cũng như xây dựng cách đánh giá rủi ro mắc ung thư vòm họng ở những người ghi nhận được sự tồn tại của ADN virus HPV, trong nước bọt trong thời gian dài.
Nguồn: Dantri, NewsMedical