Mắc bệnh tim có nên tiêm vắc xin COVID-19 không, cần phải lưu ý những gì?

Mắc bệnh tim có nên tiêm vắc xin COVID-19 không, cần phải lưu ý những gì? Dưới đây là giải đáp của TS.BS Phạm Như Hùng – Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam.

Mắc bệnh tim mạch nên tiêm sớm vắc xin COVID-19

Người có bệnh lý tim mạch nên được tiêm sớm vắc xin phòng COVID-19. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những bệnh nhân tim mạch tăng nguy cơ cao hơn các biến chứng của COVID-19 đặc biệt những bệnh nhân này lượng virus vào phổi và tim nhiều hơn so với bệnh nhân không có bệnh tim mạch.

Những bệnh nhân có bệnh tim mạch thường bị nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn do virus SARS-CoV-2 tác động mạnh lên tim qua nhiều cơ chế, trong đó nặng nhất là viêm nhiễm tác động lên tim. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều này là tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Vắc xin không phải là ngăn ngừa bệnh nhân tim mạch không mắc COVID-19, nhưng nó làm giảm đi các biến chứng nặng cho bệnh nhân tim mạch, làm cho bệnh nhân tim mạch ít bị tử vong hơn và nhập viện cũng giảm hơn hẳn so với không tiêm vắc xin.

Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch như những bệnh nhân rung nhĩ, đau ngực, bệnh cơ tim giãn, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, suy tim, huyết khối mạch phổi, bệnh mạch ngoại vi, bệnh lý van tim, tai biến mạch não đều nên được tiêm dự phòng vắc xin COVID- 19.

Với những bệnh nhân không có bệnh tim mạch, tỷ lệ lợi ích và nguy cơ khi tiêm vắc xin dao động từ 2.200 trên 1 lên đến 220.000 trên 1 tùy theo nhóm tuổi. Với những bệnh nhân tim mạch tỷ lệ lợi ích và nguy cơ còn cao hơn nhiều.

Như vậy, bệnh nhân tim mạch nên là những người trong nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin COVID-19.

Bệnh nhân tim mạch có dễ gặp tác dụng phụ của vắc xin COVID-19?

Bệnh nhân tim mạch không phải là những người có nguy cơ cao dễ bị tác dụng phụ của vắc xin COVID-19. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch là chống chỉ định với tiêm vắc xin COVID-19.

Vì vậy với tất cả bệnh nhân có bệnh tim mạch chỉ nên lưu ý với các trung tâm tiêm chủng là mình có bị dị ứng nặng hay không, với những trường hợp dễ bị dị ứng thì không nên tiêm vắc xin.

Những bệnh nhân có những phản ứng không liên quan đến vắc xin như dị ứng hải sản, thời tiết hoặc thuốc uống vẫn có thể tiêm được vắc xin nhưng nên được theo dõi ở bệnh viện 30 phút sau khi tiêm. Khi bạn đang sốt hoặc mệt mỏi nhiều thì không nên tiêm vắc xin ở thời điểm này.

Liều thứ 2 của vắc xin, những bệnh nhân có bệnh tim mạch nặng có thể sẽ có cảm giác khó thở khi gắng sức và có thể thấy sốt nhẹ như cúm. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường chỉ kéo dài 1-2 ngày và đáp ứng tốt khi dùng paracetamol và uống nhiều nước.

Tại Mỹ và Châu âu, các bệnh nhân tim mạch vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19 tại các trung tâm tiêm chủng cộng đồng mà không phải đến bệnh viện.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin COVID-19 trên bệnh nhân tim mạch là gì?

Các tác dụng phụ khi tiêm vắc xin COVID-19 ở bệnh nhân tim mạch giống như người bình thường. Các báo cáo tại Mỹ cho thấy tác dụng phụ của vắc xin bao gồm mệt mỏi tạm thời, đau đầu, đau cơ, sốt, nôn, cảm giác ớn lạnh, những điều này giống hệt như các người bình thường không có bệnh lý tim mạch.

Khi tiêm vắc xin COVID-19, bệnh nhân tim mạch cũng có thể có phản ứng sốc phản vệ khi tiêm nhưng tỷ lệ của sốc này rất hiếm. Nó thường xuất hiện nhanh trong vòng 15 phút sau khi tiêm. Nguy cơ sốc phản vệ là rất thấp, chỉ khoảng 1 trên 2 triệu người được tiêm vắc xin.

Trong khi đó lợi ích của tiêm vắc xin lớn hơn hẳn nguy cơ phản ứng nghiêm trọng của vắc xin nên chúng ta không nên lo lắng về những tác dụng phụ của vắc xin. Với bệnh nhân tim mạch lợi ích sau khi tiêm vắc xin còn lớn hơn so với người bình thường.

Có tương tác giữa vắc xin COVID-19 với các thuốc tim mạch đang dùng?

Không có bất cứ báo cáo nào giữa vắc xin và các thuốc tim mạch. Chúng ta không nên dừng bất cứ các thuốc tim mạch nào trước và sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

Nhiều bệnh nhân tim mạch dùng các thuốc chống đông như warfarin (còn gọi là các thuốc kháng vitamin K), các thuốc chống đông đường uống trực tiếp (NOAC) như dabigatran, rivaroxaban hoặc các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu khi có bệnh lý mạch vành như aspirin, clopidogrel, ticargrelor, prasugrel đều có nguy cơ chảy máu khi tiêm thuốc.

Tiêm vắc xin cho COVID-19 thường tiêm ở dưới cơ. Tuy nhiên, tiêm vắc xin thường dùng một kim rất nhỏ để tiêm thuốc nên nguy cơ chảy máu là rất thấp. Một số bệnh nhân có thể có máu tụ ở chỗ tiêm khi dùng các thuốc chống đông.

Máu tụ này thường nhỏ và không quá lo lắng nên chúng ta có thể không cần ngừng các thuốc chống đông. Với thuốc chống đông loại warfarin, nếu INR không quá cao chúng ta vẫn có thể tiêm an toàn.

Vắc xin nào thích hợp cho bệnh nhân tim mạch?

Đa phần các bệnh nhân tim mạch là lớn tuổi. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy tất cả các vắc xin đều có lợi khi tiêm cho người lớn tuổi.

Dù khả năng bảo vệ với virus là khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin nhưng với những người đã tiêm vắc xin thì khi mắc COVID- 19 đều nhẹ hơn hẳn. Do vậy chúng ta không nên quá quan tâm đến loại vắc xin mà chúng ta tiêm.

Trẻ dưới 18 mắc bệnh tim mạch có nên tiêm vắc xin COVID-19?

Chúng ta hiện nay vẫn còn rất ít các dự liệu về độ an toàn của tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, các dữ liệu lâm sàng về COVID- 19 cho thấy trẻ dưới 18 tuổi rất ít có nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong là rất nhỏ ở nhóm bệnh này. Vì vậy, hầu hết trẻ em đến nay vẫn chưa được cân nhắc nên tiêm vắc xin.

Thậm chí một số dữ liệu lâm sàng về tiêm vắc xin của hãng Astra Zeneca cho thấy lợi ích thấp hơn hẳn nguy cơ ở người trẻ nên loại vắc xin này đã không được chỉ định tiêm cho người trẻ ở một số nước.

Nhưng, với những đứa trẻ bị bệnh tim nặng, các nguy cơ có thể nặng hơn khi mắc COVID-19 thì chúng ta nên khuyến khích trẻ duy trì các thói quen an toàn như tuân theo khẩu hiệu 5K để làm giảm nguy cơ mắc COVID-19.

Nguồn: Suckhoedoisong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *